Bảo vệ con trước vấn nạn bắt nạt trực tuyến từ những bữa cơm gia đình

Chị Mai Hoa nghe tiếng khóc nên vào phòng con gái tìm hiểu. Con gái 12 tuổi của chị nằm trùm chăn, khóc không ngừng. Bé vừa bị bạn học bắt nạt, trêu chọc trên nhóm Zalo của lớp.

Hành động vô tình khiến trẻ bị bắt nạt

Dù chị Mai Hoa (TP.HCM) khuyên nhủ, động viên hết lời, cô con gái học lớp 7 vẫn không mở chăn, nói chuyện với mẹ.

Bất lực, chị Hoa ngồi thở dài, nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại của con gái. Bất ngờ có cuộc gọi đến, nhanh như chớp, con gái của chị tung chăn, vớ lấy điện thoại.

Con gái cầm điện thoại, hét “con ghét mẹ” vào mặt chị Hoa, rồi chạy vào nhà vệ sinh.

Trẻ em rất dễ bị cuốn vào những video, hình ảnh trên không gian mạng. Ảnh minh họa: Ngọc Lài

Chị Hoa ngỡ ngàng, cố lấy lại bình tĩnh, nhắn tin cho bạn thân của con gái, tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra.

“Bạn A. bị nhóm học sinh cá biệt của lớp trêu chọc trên mạng xã hội. Các bạn đó lấy ảnh lớp 1 của A. gửi khắp các nhóm của trường, lớp trên Facebook và Zalo.

Bạn A. nói các bạn gỡ xuống nhưng bị đe dọa, hâm dọa tung nhiều ảnh hài hước khác”, bạn thân của A. kể với chị Hoa.

Chị Hoa nhớ, trên Facebook của mình có đăng ảnh A. năm học lớp 1. Lúc đó, A. đang thay răng sữa. Chị không ngờ tấm ảnh sún 2 răng cửa đáng yêu ngày nào của con lại trở thành công cụ cho các bạn trêu chọc.

Và, điều chị không ngờ hơn là những gì đã diễn ra cho thấy con gái của chị đang bị bắt nạt trên mạng xã hội.

Không riêng con gái chị Hoa, nhiều trẻ em đang bị tấn công trực tuyến nhưng phụ huynh lại lơ là, xem như chuyện trẻ con đùa giỡn.

Trước vấn nạn bắt nạt trực tuyến, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, cựu giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phân tích: “Bắt nạt trên mạng là việc bắt nạt trên các công cụ kỹ thuật số. Nó có thể diễn ra trên phương tiện mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, chơi game và điện thoại di động. Đó là hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích khiến những người bị nhắm mục tiêu sợ hãi, tức giận hoặc xấu hổ”.

Cụ thể, những hành vi thể hiện sự bắt nạt trực tuyến bao gồm: Lan truyền những lời nói dối hoặc đăng những bức ảnh đáng xấu hổ của ai đó lên mạng xã hội; Gửi tin nhắn hoặc đe dọa gây tổn thương qua các nền tảng kỹ thuật số; Mạo danh ai đó và thay mặt họ gửi những thông điệp ác ý cho người khác; Giả danh ai đó và lấy danh nghĩa của họ gửi những tin nhắn ác ý cho người khác hoặc thông qua tài khoản giả mạo; Bắt nạt trực diện và bắt nạt trên mạng thường có thể xảy ra song song.

Bắt nạt trong bữa cơm

“Việc sử dụng ngôn từ hàm chứa sự xúc phạm, chọc ghẹo, đe dọa trẻ em trên các trang mạng trực tuyến như: Facebook, Zalo, TikTok… bằng cách nhắn tin, gọi điện là hình thức bắt nạt phổ biến nhất.

Tiếp cận, chia sẻ hình ảnh và video riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ, kèm lời đe dọa… cũng là cách bắt nạt chủ yếu.

Hành động chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh, video, game mang tính chất bạo lực, sex, chất kích thích, rượu bia… cũng được xem là bắt nạt trực tuyến”, thạc sĩ Đặng Hoàng An phân tích.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An

Thạc sĩ Hoàng An cho biết, phụ huynh có thể phát hiện việc con bị bắt nạt thông qua những biểu hiện lạ của con. Mỗi đứa trẻ có phản ứng khác nhau nhưng tựu chung có 2 dạng tự ti hoặc phản kháng.

Đa phần trẻ bị bắt nạt sợ hãi, che giấu, không muốn bố mẹ biết. Một đứa trẻ bỗng dưng thay đổi tâm trạng, không còn vui tươi, hồn nhiên, thường xuyên rầu rĩ, lo âu, giảm tương tác với bạn bè và gia đình… thì khả năng trẻ bị bắt nạt rất cao.

Ngược lại, một đứa trẻ là nạn nhân của bắt nạt lại có xu hướng bất cần, trả đũa, tiếp tục bắt nạt bạn khác…

Ngoài thay đổi về tâm lý, nạn nhân của bắt nạt trực tuyến có sự giảm sút về mặt thể chất. Trẻ suy nghĩ nhiều dẫn đến mất ngủ, giảm hoặc tăng cân không kiểm soát. Kết quả học tập của trẻ không tốt, thường mất tập trung.

“Đứa bé bị bắt nạt thường thu mình, sợ phải nói ra hoặc không biết nói từ đâu. Khi được bố mẹ hoặc chuyên gia tư vấn tâm lý hỏi, trẻ thể hiện sự bối rối, liên tục bấu vào tay”, thạc sĩ Đặng Hoàng An cho biết.

Để giáo dục và giúp con phòng tránh bắt nạt trực tuyến, gia đình đóng vai trò quyết định. Dù bận trăm công nghìn việc thì bố mẹ không thể quên nhiệm vụ giáo dục, làm bạn, đồng hành cùng con.

Phụ huynh không để con trẻ “tự bơi” giữa biển cả thông tin, cần định hướng cách sử dụng mạng xã hội đúng đắn, chuyện nên và không nên chia sẻ.

“Bố mẹ phải quan sát các hoạt động trực tuyến mà con tham gia, giám sát từ xa, không trao quyền cho con hoàn toàn.

Nếu con còn nhỏ tuổi thì bố mẹ không nên cho sử dụng mạng xã hội. Phụ huynh chủ động cài đặt các thiết bị bảo vệ con trên nền tảng mạng xã hội, tránh thông tin xấu tiếp cận trẻ.

Quan trọng hơn, bố mẹ phải tạo được bầu không khí gia đình gần gũi, các thành viên thoải mái chia sẻ suy nghĩ, tâm sự những góc khuất cuộc sống.

Trong những bữa cơm gia đình, phụ huynh nhẹ nhàng, chia sẻ những điều tích cực. Động viên con trẻ mạnh dạn trao đổi cùng bố mẹ khi bị bắt nạt ở đời thật lẫn mạng xã hội.

Bố mẹ đưa ra các tình huống bắt nạt trực tuyến phổ biến và đề nghị con đưa ra cách giải quyết.

Thà chúng ta vẽ đường cho hươu chạy chứ đừng để hươu chạy rồi mới vẽ đường thì đã muộn”, thạc sĩ Hoàng An hướng dẫn.