Lộc trời' chỉ mọc vào ban đêm, xưa không ai ăn, nay dân soi đèn hái về bán thành đặc sản nổi tiếng, 350.000 đồng/kg

Thứ đặc sản này chỉ mọc lên vào ban đêm, dưới tán cây chẹo hoặc cây dẻ, mấy năm gần đây "gây sốt" trên thị trường.

Ở vùng núi các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn có một loại đặc sản được ví như "lộc trời" mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây, đó là nấm chẹo. Nấm chẹo (tên địa phương thường gọi là boóc pào), có màu đỏ tươi, hình như cái ô. Loại nấm này thường mọc lên vào 2 mùa trong năm, lần đầu tiên từ tháng3-4 âm lịch, lần thứ 2 từ tháng 8-9 âm lịch. Điểm đặc biệt là vòng đời của chúng chỉ kéo dài từ 1-2 ngày, vì thế nếu không thu hoạch kịp thời, cây nấm chẹo sẽ tự lụi tàn.

Người dân địa phương cho biết nấm chẹo mọc ở dưới tán cây chẹo, cây dẻ, nhưng không phải dưới tán cây nào cũng có nấm. Có khi, cả một khu rừng chỉ có một chỗ có nấm, chính vì thế mà nấm chẹo được coi như "vàng của rừng", rất quý hiếm.

Nấm chẹo được ví như "lộc trời", được các thương lái săn lùng.

Được biết, nấm chẹo mọc lên vào ban đêm, từ 2-4 giờ sáng, bởi vậy người dân nơi đây phải soi đèn đi hái nấm từ sớm. Thời điểm từ 4 giờ đến 8 giờ sáng là lúc nấm có hình cái ô, chưa xòe to ra, trên mũ vẫn còn nguyên lớp phấn được thu mua với giá cao nhất, khoảng 300-350.000 đồng/kg. Còn nếu đi muộn, sẽ chỉ hái được những cây nấm đã xòe to ra hoặc đứt, gẫy, không còn nguyên vẹn, bán với giá từ 150-200.000 đồng/kg.

Anh Hải - một người dân ở Lạng Sơn tiết lộ: "Nấm chẹo rất dễ bị hái trộm, vì thế những nhà có rừng chẹo hay rừng dẻ phải dựng rạp để canh nấm khi chúng vào mùa. Ngoài ra, khi hái nấu phải cẩn thận và có kinh nghiệm, nếu mạnh tay nấm bị gãy thì sẽ không bán được giá. Theo kinh nghiệm của người dân bản địa, khi hái nấm không được ngồi mà phải cúi, nếu ngồi xuống thì chỗ đó nấm sẽ không mọc nữa".