Cung đường 'lạnh gáy' men bờ vực thẳm nơi công an xã bám bản

Con đường đất chỉ đủ một xe máy đi, một bên là vực thẳm, một bên là đồi nương kéo dài gần 20km dẫn tới điểm bản Lù Khò (xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) thách thức việc bám bản của công an xã.

Gian nan đường bám bản

Một chiều cuối tháng 9/2023, Thượng úySùng A Nhìa, cán bộ công an xã Mù Cả (huyện Mường Tè) nổ xe máy do Bộ Công an cấp rồi lên đường đến điểm dân cư Lù Khò để nắm tình hình cơ sở. Theo lời Thượng úySùng A Nhìa, việc đến Lù Khò gần như phải lựa chọn thời tiết nắng để đi, nếu mưa chỉ còn cách cuốc bộ mới có thể vào bản.

Là địa bàn giáp huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), Lù Khò cùng với điểm dân cư Cu Ma Thấp và Cu Ma Cao là trọng tâm được công an xã đến nắm bắt tình hình. Ba điểm dân cư này là nơi sinh sống của hơn 400 nhân khẩu người dân tộc Mông.

Ba điểm bản nêu trên hình thành qua việc người Mông di cư tự do từ năm 2009. Hơn 14 năm qua, với chủ trương vận động, thuyết phục người dân trở về địa phương không thành, chính quyền huyện Mường Tè đang từng bước hoàn thiện các yếu tố để ba điểm dân cư trên chính thức trở thành bản của xã.

Con đường xuyên rừng dẫn đến điểm dân cư Lù Khò chỉ vừa lọt một xe máy đi.

Từ trụ sở Công an xã Mù Cả đến điểm dân cư Lù Khò, Thượng úy Sùng A Nhìa trải qua quãng đường hơn 40km, trong đó có 20km quốc lộ 4H, còn lại là quãng đường đất chạy xuyên các đồi nương.

Nói là đường nhưng thực chất đây là lối mòn do người bản địa tạo ra trong quá trình đi làm nương. Quãng đường gần 20km này đi qua ruộng lúa, nương ngô, bãi sắn của người dân. Sau cơn mưa lớn cách đây ít ngày, ở giữa con đường xuất hiện các rãnh sâu hơn gang tay khiến cho quá trình di chuyển gặp khó khăn.

Thỉnh thoảng tiếng rú ga vang lên xé toang không gian tĩnh lặng của đồi nương. Trải qua những rãnh sâu, dốc dựng, con đường đi bám bản của Công an xã Mù Cả còn trải qua các bãi lầy, cầu cạn bắc qua suối.

Thượng úy Sùng A Nhìa tăng ga vượt qua con dốc trơn trượt để đi cơ sở.

Con đường bám bản băng qua suối.

Con đường bám cơ sở của Công an xã Mù Cả đi xuyên qua những nương lúa.

Khi xe đến đoạn dốc cao, rãnh sâu và buộc phải dừng lại, Thượng úy Sùng A Nhìa dùng hết sức nhấc nổi bánh trước xe máy lên khỏi rãnh, cùng lúc vê ga thật mạnh để chiếc xe vọt qua đoạn đường khó nhằn. Còn với những lái mới, bắt buộc phải có thêm một người hỗ trợ phía sau mới có thể vượt qua.

Nhiều năm bám bản, qua những lần trượt ngã trên cung đường này, Thượng úy Sùng A Nhìa cho biết, mỗi một lần đi con đường đều có những thay đổi buộc anh luôn trong tâm thế phải thận trọng.

Sau 3 giờ di chuyển, khi nắng dần tắt, điểm dân cư Lù Khò với nhiều nóc nhà hiện ra. Con đường xuống điểm bản nối từ đỉnh đồi xuống thung lũng, nhiều đoạn trơn trượt.

Điểm dân cư Lù Khò.

Công an xã Mù Cả trên đường thăm điểm bản Lù Khò.

Trung tá Trần Văn Duy - Trưởng Công an xã Mù Cả (giữa) và Thượng úy Sùng A Nhìa thăm hỏi một gia đình người Mông.

Phóng xe máy đi từ nhà này sang nhà khác một cách thân thuộc, Thượng úy Sùng A Nhìa được người dân xem như một thành viên của điểm bản người Mông. Anh hỏi han từng nhà, gặp người có uy tín, gặp trưởng nhóm truyền đạo và nắm bắt tâm tư của người dân.

Thấy công an xã thăm bản, anh Vàng A Nếnh cất tiếng: “Cán bộ về với bản đấy à, mời cán bộ vào uống nước”. Căn nhà của anh Nếnh được dựng bằng các tấm gỗ và mái tôn theo kiểu nhà người Mông. Không có điện lưới, không có sóng điện thoại… dưới ánh đèn năng lượng đủ soi bàn uống nước, Thượng úy Sùng A Nhìa hỏi han về vụ thu hoạch sắp tới của bà con.

Di cư tự do về đây từ năm 2009, anh Vàng A Nếnh cho biết, suốt gần 15 năm qua, anh và gia đình luôn mong muốn được gắn bó lâu dài tại điểm dân cư Lù Khò.

“Khi lên đây, khu vực Lù Khò còn khá hoang sơ, một thời gian sau có thêm nhiều người dân di cư đến. Chúng tôi đến từ nhiều nơi như Sơn La, Lào Cai và thậm chí có tỉnh phía Nam”, anh Nếnh chia sẻ.

Anh Vàng A Nếnh (phó điểm dân cư Lù Khò).

Anh Vàng A Mệnh - trưởng điểm nhóm truyền đạo chia sẻ: "Chúng tôi luôn tuyên truyền bà con tin theo chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước".

Theo anh Vàng A Nếnh, người dân tộc Mông sinh sống tại đây thời gian qua được sự hỗ trợ của chính quyền nhằm đảm bảo cuộc sống. Đặc biệt, để không trở thành một điểm dân cư bị lãng quên, lực lượng Công an xã đã hỗ trợ về thủ tục, hồ sơ.

“Chúng tôi được lực lượng Công an xã vào làm thủ tục cấp căn cước công dân, các hồ sơ liên quan đến nhân thân và được hỗ trợ các chính sách khác nhằm ổn định cuộc sống”, anh Vàng A Nếnh nói và cho biết, mỗi lần có Công an xã vào thăm, bản Lù Khò đều quý mến, thường chào hỏi và hợp tác với lực lượng.

Để nắm được tình hình tại điểm dân cư từ xa, Thượng úy Sùng A Nhìa hướng dẫn người dân chọn các điểm cao để dò sóng, từ đó phản ánh kịp thời tình hình tại cơ sở.

Công an xã và đại diện UBND xã Mù Cả đến bản nắm bắt nguyện vọng của nhân dân.

Công an xã Mù Cả trở về trụ sở trong màn đêm, con đường đất một bên là vực thẳm luôn tiềm ẩn hiểm nguy.

Mỗi tuần, Thượng úy Nhìa đều vào bản ít nhất một lần. Công việc này gắn bó với anh suốt hơn 5 năm qua. Là người Mông nên sự hiện diện của Thượng úy Nhìa thêm ý nghĩa trong việc định hướng dân bản tin theo các chủ trương của Đảng, Nhà nước và tránh xa các tà đạo gây kích động và chống phá Nhà nước.

Sau hơn một giờ nắm tình hình tại bản, Thượng úy Nhìa chia tay bà con để trở lại trung tâm xã. Màn đêm đã bao trùm bản làng vùng biên viễn. Hành trình trở về của Thượng úy Sùng A Nhìa là quãng đường băng rừng, men bờ vực thẳm. Giữa núi rừng heo hút, ánh đèn xe máy của lực lượng công an như nét chấm phá vào màn đêm tĩnh lặng.